31
Th7

TOP 05 Phong cách nội thất phổ biến nhất

Đối với chọn phong cách nội thất phổ biến thì khi bắt đầu bất kì một dự án thiết kế nội thất, bạn chắc hẳn sẽ thắc mắc mình nên chọn kiểu thiết kế nào? Kiểu nào mình thích? Kiểu nào phù hợp với không gian? Kiểu nào sẽ làm mình thoải mái? Cho dù bạn đang trang trí phòng đơn hay cả ngôi nhà, biệt thự hay chung cư, phong cách thiết kế sẽ quyết định và thay đổi không gian vốn có của cả căn hộ.

Zebra Design xin liệt kê danh sách 05 phong cách thiết kế phổ biến nhất tại Việt Nam. Những kiến thức này sẽ giúp bạn có thể hiểu cơ bản về các phong cách thiết kế nội thất thường gặp nhất, sự liên quan & khác nhau giữa các phong cách và cách tạo ra chúng, để có thể lựa chọn được phong cách phù hợp nhất cho căn hộ của riêng mình.

05 Phong cách Thiết kế Nội thất Phổ biến và được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, bao gồm:
  • Phong cách Hiện đại (Modern)
  • Phong cách Bắc Âu (Scandinavian)
  • Phong cách Đông Dương (Indochine)
  • Phong cách Tối giản (Minimalism)
  • Phong cách Tân Cổ điển (Neo Classical)

Bên cạnh đó, còn tồn tại rất nhiều Phong cách khác như Contemporary, Industrial, Vintage, Retro, Mediterranean,…

1. Phong cách Hiện đại (Modern)

phong cách thiết kế hiện đại

Phong cách thiết kế hiện đại là phong cách gồm những đường thẳng và tập trung nhắm vào chức năng, hạn chế những phụ kiện quá mức và các yếu tố trang trí từ nhiều phong cách khác.

Khuôn mẫu tạo dựng phong cách này chính là sự chính xác, không có những hậu cảnh phức tạp, không có sự kết hợp màu sắc cầu kì, khối hình học cơ bản được sử dụng đó là vuông, chữ nhật, tròn với bề mặt sắc nét, không trang trí, không khắc viền. Mỗi chi tiết đều được đơn giản hóa một cách tối đa để phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Đặc điểm nhận dạng:

  • Những đường thẳng sạch sẽ.
  • Màu sắc trung tính (Trắng, Be, Nâu, Đen) hoặc sử dụng màu theo Tone.
  • Đồ đạc được đánh bóng.
  • Chức năng trước hình thức.
  • Tránh những yếu tố trang trí rườm rà.
  • Tối thiểu việc sử dụng kết cấu.
  • Cân bằng không đối xứng trong nội thất và các bố trí.

Phù hợp với: Các căn hộ, không gian nhỏ. Phong cách này làm cho không gian được tối đa, tạo ra ấn tượng một căn phòng rộng hơn thực tế.

 

2. Phong cách Bắc Âu (Scandinavian)

phong cách thiết kế bắc âu

Tóm gọn của phong cách Scandinavian có thể dùng 3 từ : Chức năng – Đơn giản – Đẹp. Mặc dù đơn giản trong thiết kế, nhưng các đường nét thường được kết hợp với sự sang trọng kín đáo và ấm áp, đã tạo nên một cảm giác rất giản dị.

Đặc điểm nhận dạng:

  • Sử dụng màu trắng làm chủ đạo.
  • Gỗ là vật liệu không thể thiếu, phổ biến nhất là gỗ Tếch. Sự xuất hiện của trần, sàn, tường gỗ rất thường gặp trong phong cách này.
  • Ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa.
  • Dùng các họa tiết hoa văn, màu sắc tinh tế làm điểm nhấn.

Phù hợp với: Những căn hộ nhỏ cần tạo không gian thoáng đạt.

 

3. Phong cách Đông Dương (Indochine)

thiết kế phong cách indochine

Indochine là phong cách nhiệt đới hóa phong cách Pháp bằng những bản sắc văn hóa bản địa, khí hậu, họa tiết hoa văn địa phương, nghệ thuật trang trí tinh xảo ở các kiến trúc cổ, sản phẩm mỹ nghệ và hình thành 1 sự gặp gỡ, pha trộn tinh tế.

Nội thất phong cách Đông Dương, ngoài vấn đề thẩm mỹ, còn đáp ứng và phù hợp với tập quán sinh hoạt và khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm ở Việt Nam.

Đặc điểm nhận dạng:

  • Thành phần kiến trúc mang hơi hướng kiến trúc Pháp – Sử dụng tone màu trung tính (vàng nhạt, vàng kem, trắng) kết hợp với màu của gỗ và đồ mây tre.
  • Ứng dụng nhiều các chi tiết trang trí, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chất liệu địa phương.
  • Hoa văn họa tiết tạo hình phong phú và tinh xảo; đồ nội thất cấu trúc đơn giản nhưng tinh tế.
  • Dùng vật liệu tự nhiên như gỗ, mây, tre, gạch bông, gạch nung.


Phù hợp với: Thiết kế Khách sạn nhỏ hoặc Homestay, cải tạo lại các căn hộ trong các khu phố cổ.

 

4. Phong cách tối giản (Minimalism)

thiết kế theo phong cách Minimalism

Phong cách Minimalism nghĩa là sử dụng những đường nét đơn giản, thật ít chi tiết, giảm thiểu đồ nội thất, mọi chi tiết đều có lý trong vị trí của mình.

Việc trang trí nội thất theo phong cách Minimalism hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu bên dưới. Các mảng tường, sàn và hiệu quả ánh sáng trên các mặt phẳng này chính là những yếu tố quan trọng làm nên phong cách tối giản. Sử dụng những đường nét đơn giản và sự kết hợp có tính toán của các mặt phẳng, không gian nội thất theo phong cách này là một tổng thể thống nhất, chặt chẽ về bố cục và nhất là giữ lại được một không gian kiến trúc đẹp, thoáng đãng, rộng rãi.

Đặc điểm nhận dạng:

  • Sử dụng màu sắc hạn chế: Thông thường, có không quá ba màu trong không gian nội thất theo phong cách này: một màu nền, một màu chủ đạo và một màu nhấn.
  • Các mảng tường trắng được sử dụng rất phổ biến như một phông nền trơn nhằm tăng giá trị các đồ đạc xung quanh, đồng thời mang lại hiệu quả thị giác về một không gian rộng rãi hơn, thoáng đãng
  • Ánh sáng được xem như một thành phần trang trí quan trọng để tạo ra các hiệu ứng thị giác và thẩm mỹ

Các thành phần trang trí nội thất cũng như vật dụng, bàn ghế được sử dụng ở mức độ tối giản, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa phải có yếu tố thẩm mỹ.

Phù hợp với:

  • Thiết kế văn phòng.
  • Các căn hộ có diện tích nhỏ.
  • Những người thích ngăn nắp, tự do và phóng khoáng.

 

5. Phong cách Tân Cổ điển (Neo Classical)

thiết kế phong cách Tân cổ điển

Phong cách thiết kế tân cổ điển chính là sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển mà hiện đại. Phong cách này chú trọng đến chi tiết trang trí cầu kỳ, những đường cong mềm mại, kết hợp với những đường phào chỉ của tường và trần nhà. Phong cách thiết kế Tân cổ điển rất được ưa chuộng bởi sự sang trọng, thời thượng của nó.

Đặc điểm nhận dạng:

  • Chất liệu cao cấp: Phong cách tân cổ điển rất chuộng chất liệu da, gỗ, đá hoa cương. Chúng được chế tác rất cầu kì để mang lại vẻ sáng bóng cho không gian, thể hiện đẳng cấp của chủ nhân ngôi nhà.
  • Màu sắc sang trọng quý phái: Phổ biến nhất là tông màu tối như đen, đỏ booc-đô hay xám, rêu.
  • Hoa văn – họa tiết cầu kỳ chạm khắc tinh xảo.
  • Tập trung vào các mảng tường; dùng hệ thống phào chỉ tạo mảng miếng phân chia không gian.

Phù hợp với: Các khu biệt thự hoặc chung cư cao cấp, có không gian rộng.

Đây là Top 5 phong cách nội thất phổ biến mà Zebra muốn mang đến cho bạn tìm hiểu